Tiến trình xây dựng cầu bắc qua sông Trà Khúc
(Báo Quảng Ngãi) - Để hình thành cây cầu bắc qua sông Trà Khúc là cả một tiến trình từ thuở xưa, từ đò ngang, cầu tre đến cây cầu bằng bê tông cốt thép. Cầu Trà Khúc 1 (xưa gọi là cầu Trà Khúc) đã trải qua cả một chặng đường dài với bao thăng trầm của lịch sử.
Trong hệ thống giao thông đường bộ, Trà Khúc là một con sông lớn và là sông khó vượt qua nhất ở Quảng Ngãi trong lịch sử, vì độ rộng và dòng nước chảy xiết. Thời phong kiến, để vượt qua sông Trà Khúc tại vị trí tuyến đường thiên lý, đi qua khu vực phía tây núi Long Đầu, người xưa đã dùng đò ngang để qua lại.
Theo Lê Quý Đôn (1776), đò Trà Khúc tại phủ Quảng Ngãi dinh Quảng Nam có tiền thuế 34 quan 3 tiền. Phương tiện này được sử dụng phổ biến trước và sau thời điểm này. Năm 1806, Binh bộ thượng thư Lê Quang Định cũng cho biết đường quan có bến sông Trà Khúc, cho thấy lúc này đò ngang Trà Khúc vẫn là phương thức chính vượt sông
Muộn hơn, theo "Đại Nam nhất thống chí", đò Trà Khúc là một trong những đò chính nằm gần tỉnh thành, do huyện Chương Nghĩa quản lý.
Đến năm 1929, cầu Trà Khúc lần đầu tiên được chính quyền bảo hộ cho xây dựng. Ban đầu cầu Trà Khúc dự kiến dài 487m với công nghệ cầu nhịp sắt, mặt cầu rộng 4,35m. Dự án khánh thành vào ngày 18/7/1931 và tổng chiều dài 621m. Cầu Trà Khúc ở Quảng Ngãi và cầu Bồng Sơn ở Bình Định là hai cây cầu cuối cùng trên tuyến Quốc lộ 1, được chính quyền bảo hộ tổ chức xây dựng hoàn thiện trong năm 1931. Tuyến Quốc lộ 1 từ Đà Nẵng vào Nha Trang (Khánh Hòa) là khu vực được xóa bỏ các phà qua sông muộn nhất. Sau một thời gian sử dụng, đến năm 1947, trong điều kiện kháng chiến đã phá hủy cầu Trà Khúc nhằm ngăn chặn sự di chuyển của quân Pháp quay lại. Sau quãng thời gian này, phương tiện qua lại sông Trà Khúc được sử dụng là cầu tre và đò ngang. Đến sau năm 1954 mới có phà vượt sông. Sau đó vì bất cập của phương tiện phà nên chính quyền đã thiết lập cầu phao sử dụng vào mùa nước kiệt và mùa lũ lại sử dụng phà như trước. Lúc bấy giờ, khi có lũ lụt thì giao thông vượt sông Trà Khúc bị đình trệ hoàn toàn. Đến đầu năm 1963, cầu Trà Khúc được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 1965 |
Công trình được nghiên cứu khảo sát - thiết kế bởi Sở Nghiên cứu cầu, thuộc Nha Kiều lộ, Bộ Giao thông và Công chánh. Triển khai xây dựng bởi Khu Công chánh tại Huế thông qua một Ban Quản đốc đặt tại công trường. Vị trí cầu Trà Khúc xây dựng song song tuyến cầu cũ và có tổng chiều dài toàn tuyến là 635m, tương đương chiều dài cầu cũ xây dựng trước đó. Ngoài ra, công trình còn có tuyến đường dẫn vào cầu dài 925m. Cầu có quy mô 2 làn xe, rộng 7,5m với 20 nhịp, mỗi nhịp dài 31,70m. Công trình triển khai đến năm 1964 thì gặp một trận lũ lịch sử, dân gian gọi là lũ năm Thìn. Cầu Trà Khúc tuy không bị thiệt hại nhiều về công trình đang xây dựng, nhưng sự tàn phá của lũ lụt ảnh hưởng nhiều đến công tác vận chuyển vật liệu cũng như thiết bị xây dựng công trình sau đó. Thời gian sau đó, công trình tiếp tục xây dựng và hoàn thành cơ bản trước mùa lũ năm 1965. Ngày 22/9/1965, cầu Trà Khúc được khánh thành. Công trình sử dụng 3.500m cừ thép D46cm, sắt dầm cầu 1.800 tấn, sắt tròn các loại 298 tấn, bê tông cốt thép các loại 1.300m3. Qua một thời gian sử dụng đủ dài, nhiều hạng mục của cầu Trà Khúc 1 ngày nay đã xuống cấp. Nhắc đến chuyện xưa để chúng ta thấy rằng, hình thành cây cầu bắc qua sông Trà Khúc là cả một tiến trình gắn với chiều dài của lịch sử với bao thăng trầm, từ đò ngang, cầu tre đến cây cầu bằng bê tông cốt thép. Bảo rằng cầu Trà Khúc 1 là chứng nhân của lịch sử là vậy! |
VÕ NGUYÊN PHONG