Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai
(Báo Quảng Ngãi) - Đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng được xem là một trong những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả công trình phòng, chống thiên tai (PCTT), góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước do thiên tai gây ra. Sau khi hoàn thành, dự án Kè chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện 1, Phước Thiện 2, xã Bình Hải (Bình Sơn) đã mang niềm vui an cư cho người dân thôn Phước Thiện. Ông Lê Văn Quốc, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải cho biết, toàn tuyến kè chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện được bê tông kiên cố như “tấm khiên” bảo vệ gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ dân trong thôn yên tâm mỗi khi có mưa bão. Kè kiên cố vừa sạch, đẹp, lại có nơi để ghe thúng neo đậu, tránh trú nên người dân ở đây yên tâm, vững tin bám biển và phát triển kinh tế. Đây cũng là dự án kết nối toàn tuyến kè chống sạt lở thôn Phước Thiện, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả công trình là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, các công trình hạ tầng công cộng của Nhà nước, cũng như tạo cảnh quan môi trường và hành lang giao thông nông thôn. |
Còn dự án Kè chống sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc, đoạn qua các xã Tịnh Hà, Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) cũng giúp hàng trăm hộ dân thoát cảnh di dời, sơ tán và yên tâm sinh sống trong mùa mưa bão. Ông Huỳnh Văn Đạt, xã Tịnh Sơn chia sẻ, mỗi khi mưa lớn, nước sông Trà Khúc dâng cao và chảy xiết khiến bờ sông bị sạt lở, cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp, đe dọa đường giao thông nên người dân ở đây luôn bất an. Nhưng từ khi có kè kiên cố, người dân không còn lo bị lũ cuốn trôi nhà đất, ruộng vườn như trước nên yên tâm sinh sống và sản xuất. Với quy mô gần 5.200m, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, dự án Kè chống sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc hoàn thành không chỉ đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sống ven sông, mà còn bảo vệ khu trung tâm huyện Sơn Tịnh mới cũng như các công trình cơ sở hạ tầng trong khu vực, góp phần phát triển giao thông, chỉnh trang đô thị dọc bờ bắc sông Trà Khúc. |
|
Trong khi đó, người dân sống bên bờ sông, vách núi ở xã Sơn Màu và Sơn Mùa (Sơn Tây) cũng vui mừng khi dự án Kè chống sạt lở trung tâm huyện Sơn Tây, đoạn qua xã Sơn Màu và Sơn Mùa sắp hoàn thành. Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tây Trần Minh Tuấn cho biết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Qua đó, góp phần phát huy mục tiêu và hiệu quả của công trình trong việc chống sạt lở bờ sông, sạt lở núi, bảo đảm an toàn cho người và tài sản của người dân ngay trong mùa mưa bão năm 2024.Còn người dân ở hạ lưu các hồ chứa Hố Vàng, Hố Đèo, Đá Chồng (Sơn Tịnh) và Bình Yên, Châu Long, Châu Thuận, Lỗ Tây, Hố Chuối (Bình Sơn) cũng không còn thấp thỏm lo vỡ hồ khi toàn bộ các công trình đã hoàn thành. Người dân khu vực trung tâm TX.Đức Phổ cũng vui mừng vì mùa mưa năm nay, sẽ thoát cảnh ngập lụt, bởi dự án Hệ thống thoát nước khu vực đô thị, từ cầu Bàu đến sông Rớ có tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đầu tư thực hiện các giải pháp công trình PCTT là một trong những giải pháp căn cơ, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thành hơn 46km công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với kinh phí gần 2.337 tỷ đồng, trong đó: Kè chống sạt lở bờ sông trên 34km, kinh phí gần 1.278 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ biển gần 12km, kinh phí trên 1.059 tỷ đồng. Đồng thời đầu tư gần 77,2km đê, gồm: Gần 64km đê ngăn nước biển, ngăn mặn và 13,2km đê phòng, chống lũ trên sông. Bên cạnh đó, đầu năm 2023, Sở NN&PTNT công bố Điều chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó có đề xuất các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên cơ sở diễn biến và mức độ sạt lở thực tế xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở để các địa phương, đơn vị, ngành liên quan đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao khả năng PCTT, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, đất sản xuất cũng như các công trình công cộng của Nhà nước. Tại huyện Sơn Tây, từ năm 2021 đến nay, chính quyền địa phương đã đầu tư, đưa vào sử dụng 3 khu TĐC tập trung ở trung tâm xã Sơn Tân, Sơn Bua và Sơn Long, đảm bảo nơi ở an toàn cho hơn 120 hộ dân trong vùng nguy hiểm. Hiện nay, huyện Sơn Tây cũng đang triển khai các thủ tục đầu tư khu TĐC Đắc Dép, xã Sơn Màu để di dời 19 hộ ở vùng sạt lở núi. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Sơn Màu hiện có 43 hộ dân sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, nên người dân mong muốn được chuyển đến nơi ở an toàn, để yên tâm sinh sống. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết, qua khảo sát sơ bộ, toàn huyện có khoảng 500 hộ dân đang sinh sống trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai cần được ưu tiên di dời trong giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, mong muốn mở rộng quy mô đầu tư đối với khu TĐC Đắc Dép, đảm bảo nơi sinh sống an toàn cho 43 hộ dân trên địa bàn xã Sơn Màu. Trong khi đó, người dân thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) cũng mong Nhà nước có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Liên Chiểu, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của 168 hộ ở xóm 9 và 10. Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Trần Ngọc Sang cho biết, quy mô và cường độ sạt lở bờ sông Liên Chiểu ngày càng nghiêm trọng, nước xói sâu vào lòng đường bê tông, nhiều vị trí bị khoét hàm ếch, không đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân đang sinh sống dọc bờ sông ở thôn Kim Giao. Trong khi đó, mỗi khi có mưa lớn, tuyến đường này cũng bị ngập sâu, cô lập gần 200 hộ dân trong khu vực. Vì vậy, thị xã cũng kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Liên Chiểu, để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Bài, ảnh: MỸ HOA |