Xuân đến sớm ở "làng biển gặm"
(Người Lao động) - Từ khi bờ kè hoàn thành, nhiều ngôi nhà được tu sửa, xây dựng lại, trở thành nhà mặt tiền. Hôm nào nắng đẹp, dân làng lại kéo nhau ra nhìn trời, nhìn đất, ngắm sóng biển dịu êm vỗ vào bờ...
Đến xã biển Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong tháng chạp, chúng tôi có cảm giác như mùa xuân đến sớm. Sau những chuyến ra khơi trở về, ngư dân tất bật lo dọn dẹp nhà cửa và mua sắm. Đây là Tết đầu tiên, người dân làng biển này cảm nhận được sự an cư khi bờ kè quy mô được nhà nước xây dựng hoàn thành.
Hứng chịu bão tố, sạt lở
Kè biển hình cánh cung bao bọc xóm làng, bắt đầu từ đồi Mom ở thôn Phước Thiện kéo dài đến xóm Hải Hòa ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải.
Tôi gặp anh Dương Đình Trung ở đầu thôn Phước Thiện. Nghe hỏi chuyện, anh cho biết: "Bây giờ có bờ kè kết hợp với đường giao thông nên ai đến đây đều đi thẳng xe một mạch, chứ mấy năm trước không có con đường. Đường về thôn trước đây giờ nằm phía sau lưng khu dân cư".
Theo hướng tay anh Trung chỉ, đường về thôn giờ khuất sau xóm nhà, thành con đường xưa. Còn con đường mới là bờ kè kết hợp đường giao thông chạy qua trước xóm nhà.
Anh Trung xuýt xoa: "Ở đây là vùng biển ngang, con cá, con mực đi câu, đánh bắt được còn tươi rói. Cá đem luộc, quấn với bánh tráng, chấm nước mắm nhỉ. Mực cũng luộc, chấm nước mắm gừng, ngon lắm! Nhưng trụ được ở vùng biển này phải trải qua biết bao khó khăn".
Bao đời rồi, cứ đến mùa biển động, người dân ở đây lại hứng chịu cảnh triều cường, bão tố. Cứ nghe bão sắp đổ bộ là người già, phụ nữ, trẻ em vội vàng gồng gánh kéo nhau lên thôn Vạn Tường, tìm nhà người quen tá túc. Cánh đàn ông nổ máy đưa tàu vào cửa biển Sa Cần neo đậu, thúng chai thì khuân lên bờ.
Có người khi bão đến quá gần thì chỉ còn cách chọn gò đất hơi kín gió, sâu bên trong làng, trải chiếu ra, kê thêm vài viên gạch rồi úp thuyền thúng lại, chui vào trong nằm tránh.
Khi nghe dân vùng biển ngoài Quảng Nam đào hầm tránh bão, một số gia đình ở Bình Hải học tập kinh nghiệm làm theo. Song, đào cái hầm cũng tốn 5 - 7 triệu đồng, thậm chí gấp đôi, nên ít người có điều kiện làm.
Rồi TP Vạn Tường được xây dựng, Trường Cao đẳng nghề Dung Quất hình thành. Mỗi khi sắp có bão, huyện Bình Sơn huy động lực lượng biên phòng, Đoàn thanh niên hỗ trợ, đưa dân lên đó trú tránh. Người có thể tránh nhưng nhà thì làm sao có thể khuân đi được!
Trước đây, người dân Phước Thiện năm nào cũng phải mua bao về dồn cát, chèn chống mái nhà phòng bão dữ. Cứ sau mỗi mùa mưa bão, sóng đánh vào bờ, biển lại "gặm" thêm năm - ba mét đất. Sau bão, người dân lại bỏ tiền của, công sức sửa lại nhà. Có người hài hước bảo làng mình là làng bao cát, làng biển gặm!
Nhiều người xót xa bởi đồng tiền kiếm được trên biển khơi thật khó nhọc mà biển cũng không tha, sóng thường đổ ập vào lấy đi công sức. Cho đến cơn bão số 9 năm 2013 thì dọc dài bờ biển vùng này, nhà cửa sập đổ tan hoang.
Bà Trương Thị Thắm, ngụ thôn Phước Thiện, bộc bạch: "Có ở yên mới hết nghèo. Sống mãi cảnh như thế thì làm sao mà khá lên được".
Ngóng đợi và vỡ òa niềm vui
Năm 2021, tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư 100 tỉ đồng xây dựng đoạn kè biển dài 1.391 m ở thôn Phước Thiện và An Cường. Khi thông tin này về đến làng, biết bao người hân hoan. Ông Hồ Mít, ngụ thôn Phước Thiện, bộc bạch: "Có xây dựng bờ kè thì dân mới đỡ khổ".
Rồi đoạn bờ kè đầu tiên được xây dựng. Dân trong làng vui mừng và lại ngóng đợi, không biết nhà nước có đầu tư xây dựng tiếp nữa không? Thế rồi, năm 2022, nhà nước tiếp tục đầu tư 50 tỉ đồng xây dựng thêm đoạn kè dài 563 m. Đến năm 2023, 25 tỉ đồng tiếp tục được đầu tư để xây dựng đoạn kè cuối cùng ở thôn Phước Thiện dài 300 m - hoàn thành tuyến kè từ thôn này đến xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy.
Nhiều người dân trong làng khi rảnh rỗi lại ra xem công trình thi công. Công trình ở sát khu dân cư nên tiếng ồn cũng gây ảnh hưởng. Rồi mùa khô, có khi xe đổ cát làm bụi bay mịt mù. Thế nhưng, dân làng động viên nhau cố gắng chịu đựng, vì ai cũng mong muốn kè biển được hoàn thành đúng tiến độ.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi - ông Trần Trung Tín - cho hay việc đầu tư xây dựng kè biển Bình Hải khá phức tạp. Vì vậy, đơn vị yêu cầu các lực lượng thi công chú trọng việc đắp đê quay. Thêm nữa, khi triều cường, sóng lớn bủa vào làm hư hỏng thì phải nhanh chóng đắp đê trở lại.
Theo ông Tín, các nhà thầu cũng không câu nệ về thời gian. Khi thủy triều xuống dù vào ban đêm cũng phải nhanh chóng tập trung thi công mới bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Nhờ đó, kè biển hoàn thành đúng tiến độ, trong niềm vui của đơn vị thi công và dân làng.
Tết này vui hơn
Nhà anh Bùi Văn Pho nằm sát bờ kè kết hợp đường giao thông. Sau chuyến ra khơi trở vào bờ mới đây, anh bán vội mớ mực câu được rồi nhanh chóng quay về nhà.
Vuốt mớ tóc dài ướt đẫm vị biển khơi, anh Pho bộc bạch: "Không còn bao lâu nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tết này mình có nhà mới nên sẽ vui hơn".
Pho cho biết nhà anh trước đây được dựng lên tạm bợ, năm nào cũng hứng chịu bão tố. Cố gắng làm ăn, vợ chồng anh cũng tích cóp được ít nhiều nhưng chẳng dám làm nhà vì lo gió bão, sóng biển làm sạt lở.
"Tôi từng tính chuyện chờ nhà nước xây dựng khu tái định cư cho dân vùng sạt lở thì đến đó làm nhà. Nhưng năm nay, kè biển đã được xây dựng hoàn thành nên vợ chồng tôi liền làm luôn ngôi nhà mới, hết 650 triệu đồng" - anh Pho khoe.
Trong khi đó, anh Dương Đình Mỹ thường ngày đánh cá ngoài biển. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Sen, làm công nhân KCN VSIP Quảng Ngãi. Cuối năm 2021, trong mùa biển động, sóng đã đánh sập ngôi nhà của họ. Vợ chồng Mỹ đành dắt hai con về nhà cha anh ở tạm. Sau đó, được một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ 140 triệu đồng, vợ chồng anh vay mượn thêm để xây ngôi nhà mới.
"Có bờ kè kết hợp đường giao thông nên ngôi nhà khá vững chãi. Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, gia đình tôi sẽ vui hơn" - anh Mỹ háo hức.
Khi bờ kè xây dựng hoàn thành, hầu như tất cả những ngôi nhà vốn quay lưng với biển được tu sửa, thành nhà mặt tiền. Hôm nào nắng đẹp, người dân kéo nhau ra bờ kè, nhìn đất nhìn trời, nhìn con sóng biển dịu êm vỗ vào bờ...
Ông Võ Đức Nhuận, một người dân Phước Thiện, cho biết: "Nhờ bờ kè kết hợp đường giao thông này, vào đêm hôm khuya khoắt, nếu có người bị bệnh nặng thì xe của Bệnh viện Dung Quất chạy đến tận nơi đưa đi cấp cứu. Rồi đám cưới đưa dâu, rước dâu cũng đi trên con đường này. Ô tô giờ chạy đến tận Phước Thiện. Đám trẻ đi học cũng tha hồ đạp xe trên đường...".
Võ Quý Cầu